Bí ẩn nền văn minh cổ đại thất lạc tại sa mạc Sahara
Chúng ta có thể biết được rất nhiều về nền văn minh thất lạc từ những bức bích họa trên đá miêu tả hàng nghìn năm lịch sử bị lãng quên.
Với mức nhiệt cao nhất lên đến 57độ C và độ ẩm thấp nhất chỉ 2%, thật khó tưởng tượng nơi đây từng là một thiên đường xanh mát. Dù hiện là một trong những địa điểm khô nóng nhất trên Trái đất, nhưng chỉ cách đây 10.000 năm, Sahara lại là một vùng đất tuyệt vời để cư ngụ.
văn minh, thất lạc, sa mạc Sahara,
Sahara là sa mạc lớn nhất trên thế giới. Với diện tích khoảng 9 triệu km2, Sahara lớn ngang Hoa Kỳ, bao phủ 1/3 diện tích Châu Phi.
Sahara xanh mát từng là một thảo nguyên phì nhiêu màu mỡ tràn ngập động vật hoang dã, đồng cỏ, cây cối, và sông ngòi đầy cá. Chính vào giai đoạn này, ở đây có một nền văn minh cổ đại cư ngụ.
Trong khoảng năm ngàn năm, con người đã sinh sôi nảy nở, săn bắt đánh cá, chăn thả gia súc, trồng cây lương thực, chế tác đồ gốm và trang sức. Nhưng rồi tất cả đều đi đến hồi kết…
Sa mạc Sahara từng tràn ngập sắc xanh
văn minh, thất lạc, sa mạc Sahara,
Sahara từng là một thảo nguyên xanh mát. (Ảnh: Interez.sk)
Khoảng 8.000 đến 10.000 năm trước, một sự kiện biến đổi khí hậu đã xảy ra do sự thay đổi độ nghiêng trục quay và quỹ đạo của Trái đất.
Theo nhà khoa học khí hậu TS. Gavin Schmidt từ Viện Nghiên cứu Không gian Goddard trực thuộc NASA, vào khoảng 8.000 năm trước, quỹ đạo Trái đất có đôi chút khác biệt so với hiện tại.
Độ nghiêng trục quay thay đổi từ khoảng 24,1 độ xuống còn 23,5 độ như hiện nay. Sự thay đổi này khiến mô thức khí hậu thay đổi theo, từ đó khiến vùng đất Sahara xanh mát một thời trở nên cằn cỗi, khô nóng như ngày nay.
Những cơn mưa gần như dừng hẳn. Cư dân Sahara buộc phải rời quê hương của mình để di cư về phía Đông, đến Thung lũng sông Nin. Chính tại đây, họ đã tạo dựng nền văn minh Ai Cập huy hoàng cùng các vương triều Pharaon phồn thịnh.
văn minh, thất lạc, sa mạc Sahara,
Ẩn giấu bên dưới lớp cát của sa mạc Sahara là những vết tích sót lại của nền văn minh từng cư ngụ trên mảnh đất này. Gần đây, các nhà khảo cổ học đã bắt đầu tìm thấy manh mối về thế giới huyền diệu bị thất lạc này.
Tại hơn một trăm di chỉ khảo cổ, các nhà khoa học đã đào được các mẫu vật địa chất, xương động vật, công cụ và bích họa nghệ thuật ấn tượng trên đá. Chúng tái hiện một bức tranh sinh động, nhiều màu sắc về cuộc sống trên vùng đất Sahara xanh tươi.
Nếu leo lên cao nguyên Tassili N’Ajjer ở phía đông nam Libya, tại hai ngọn Hoggar và ngọn Air, chúng ta vẫn có thể bắt gặp các loài thực vật như cây bách và cây ôliu.
Vì không thể sinh sôi nảy nở, chúng đã cố gắng sống sót qua năm tháng dài đằng đẵng. Rất nhiều cây có tuổi thọ ít nhất lên đến 4.000 năm tuổi. Bộ rễ của chúng vươn dài hơn 7m trong lòng đất, nhằm duy trì nguồn cung nước cho cây.
Trước khi biến đổi thành một sa mạc, Sahara cũng từng sở hữu các loài cây như tần bì, tuyết tùng, sồi, óc chó, sim, và chanh.
Lạc đà không tồn tại trong nền văn minh cổ đại thất lạc ở Sahara
Ngày nay, khi nhắc tới sa mạc Sahara, người ta liên tưởng ngay đến hình ảnh đoàn lữ khách hành hương trên lưng lạc đà, nhưng ít ai biết rằng loài động vật này là điều hoàn toàn xa lạ với nền văn minh cổ đại từng cư trú ở đây vào khoảng 10.000 năm trước. Thực ra, lạc đà không xuất hiện trong khu vực này cho đến khoảng thời gian đầu Công nguyên.
Nhiều loại hóa thạch khủng long đã được khai quật trong khu vực. Các chi khủng long khổng lồ như Ouranosaurus, Afrovenator, Jobaria và một số loài khác từng tung hoành ở đây thời cổ đại.
Các động vật khác sinh sống ở đây là các loài bò sát và gặm nhấm. Cả hai loài này đều dễ dàng thích nghi với mức nhiệt gay gắt trên sa mạc. Bằng cách ủ hai chân bên dưới lớp cát, chúng có thể tạo ra một môi trường nhiệt độ thích hợp.
Không chỉ vậy, loài bò sát có thể sinh tồn mà không cần uống nước, do hệ tiêu hóa của chúng có khả năng phá vỡ kết cấu của thực vật khô để tạo ra nước.
Một loài động vật thường gặp ở Sahara là chuột jerboa, hay còn gọi là chuột sa mạc. Ngoài khả năng đào hang cự phách, chuột jerboa còn có thể bật nhảy bằng hai chân sau, giống chuột túi kangaroo, để di chuyển nhanh chóng trên mặt đất.
Thỏ rừng cũng thường được bắt gặp trong khu vực. Là một vận động viên nhảy xa, nó có thể di chuyển rất nhanh, nhờ thế tránh bị bỏng chân. Dựa trên số lượng lớn xương được tìm thấy, rõ ràng loài cá sấu đã thống trị nhiều sông ngòi cổ đại, mà hiện đã bị khô kiệt.
Bích họa cổ trên đá hé lộ bí mật về nền văn minh cổ đại thất lạc ở Sahara
văn minh, thất lạc, sa mạc Sahara,
Chúng ta có thể biết được rất nhiều về nền văn minh thất lạc từ những bức bích họa trên đá miêu tả hàng nghìn năm lịch sử bị lãng quên.
Ông Heinrich Barth, một nhà thám hiểm người Đức đã dành 5 năm nghiên cứu hàng ngàn bức bích họa đá thời tiền sử trong khu vực. Các bức bích họa cổ đại này được tìm thấy trong một khu vực rộng lớn, trải dài từ thành phố Timbuktu từ phía tây cho đến Cộng hòa Chad về phía đông.
Tại các hang động lớn trên cao nguyên Tassili N’Ajjer, ở phía đông nam Libya, ông Barth đã phát hiện được hàng nghìn bức bích họa và chạm khắc. Rất nhiều trong chúng có kích thước lớn, một số cao đến cả mét.
Các bức họa miêu tả người dân nơi đây tận hưởng cuộc sống phồn thịnh tiền sa mạc. Có nhiều tranh miêu tả cảnh sinh hoạt thường ngày: Đàn ông săn bắt, phụ nữ chải tóc và nhảy múa thành vòng tròn. Có nhiều bức họa miêu tả các loài động vật phổ biến trong vùng: voi, tê giác, sư tử, đà điểu, hươu cao cổ, hà mã, linh dương, …
Các bức họa nhà ở cho thấy người dân Sahara sống trong những túp lều cỏ hình bán cầu. Nhiều món đồ gốm cũng được miêu tả trong tranh. Họ cũng chăn thả gia súc. Có rất nhiều bức họa miêu tả bò, dê, cừu, và lợn. Chó nhà cũng xuất hiện trong tranh. Đánh bắt cá là một hoạt động rất phổ biến.
Sahara là một nơi ẩn chứa nhiều bí ẩn. Các nhà khoa học còn nghi ngờ rằng có một trữ lượng nước lớn, cùng phế tích của thành trì cổ đại bị vùi lấp dưới lớp cát sa mạc.
Leave a Reply